Thực hiện Kế hoạch số 86/KH-SGDĐT ngày 30/10/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang v/v triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Hôm nay, trường THPT Hiệp Hòa số 3 tổ chức phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, vận động toàn xã hội chủ động tích cực hành động nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình dẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Thế nào là bình đẳng giới?
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các quyền lợi, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội và gia đình. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.
Tại sao phải thực hiện bình đẳng giới? Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp, rực rỡ”. Về công tác phụ nữ, Người cũng căn dặn: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiến bộ, không thành kiến, hẹp hòi với họ, và việc phát huy vai trò và năng lực sáng tạo của phụ nữ là trách nhiệm của toàn xã hội.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình,.... mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới thông qua công ước quốc tế như công ước, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em... nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động và các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới. Nhờ đó công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống của phụ nữ, trẻ em gái đã được cải thiện đáng kể.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, Trường THPT Hiệp Hòa số 3 đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Việc thực hiện bình đẳng giới được thể hiện hiệu quả và rõ nét nhất thông qua nhiều nội dung đối với học sinh như:
- Trong tổ chức lớp, các chức danh quản lý lớp, nhóm học tập.
- Trong các hoạt động học tập và giáo dục của trường, của lớp.
- Trong cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
- Trong công tác Thi đua - khen thưởng,...
Tất cả học sinh đều được đối xử bình đẳng như nhau không phân biệt nam hay nữ. Việc quan tâm, chăm lo, giáo dục, không phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái, tạo cơ hội, điều kiện ngang nhau cho các em học tập và phát triển. Nhiều em nữ sinh của nhà trường đã đạt danh hiệu học sinh ba tốt như: Đào Đặng Minh Ngọc – chi đoàn 10 A1; Nguyễn Thị Đan Lê – chi đoàn 10A11...
Trường có 84 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó nữ là 48, chiếm tỷ lệ 57%. Các cô giáo, ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ họ còn là những nhà lãnh đạo quản lí tài năng vừa có tâm, vừa có tầm, là những cô giáo dạy giỏi, những nhà nghiên cứu khoa học, hoạt động công tác Đoàn thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết và sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của nhà trường như: Cô Ngô Thị Ánh, cô Đỗ Thị Thanh Thương, Cô Vũ Thị Mai Liên, cô Lê thu May, cô Nguyễn Thị Huấn, cô Hoàng Thị Trung Thu...Có thể nói, phụ nữ nói chung và nữ giới của trường THPT Hiệp hòa số 3 nói riêng đã và đang ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình trong xã hội.
Bình đẳng giới đã thực sự được thực thi triệt để?
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Hoặc nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn còn tư tưởng thích có con trai hơn con gái, phân biệt đối xử giữa người con trai và con gái trong một gia đình,… Đặc biệt, hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đó, phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình, họ phải làm việc suốt ngày và không được tiếp cận với việc học hành. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, việc họ hàng, rồi sa vào các tệ nạn xã hội,… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ. Và hiện tượng xúc phạm, đánh đập, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong xã hội.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới… bộ máy làm công tác bình đẳng giới còn thiếu; vẫn còn những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách về công tác bình đẳng giới…
Để đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng trong các gia đình với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Chúng ta cần làm tốt những thông điệp tuyên truyền sau:
- Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Hiệp Hòa số 3 tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
- Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai.
- Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.
- Tăng quyền năng cho phụ nữ là tăng vị thế của quốc gia.
- Giới tính không quyết định năng lực và trình độ.
- Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.
- Bình đẳng giới là chìa khóa để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
- Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay.
- Ưu tiên nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái.
- Nâng cao vai trò của phụ nữ giúp hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hãy nhớ rằng, một xã hội bình đẳng là nền móng vững chắc cho hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Bình đẳng giới không phải là lựa chọn, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Năm 2024, chúng ta hãy cùng nhau hành động vì một tương lai nơi mọi người đều có quyền mơ ước, phấn đấu và thành công như nhau. Bình đẳng giới không chỉ là khẩu hiệu, mà là giá trị cần lan tỏa.
“Thay đổi bắt đầu từ chính bạn – Hãy chung tay vì bình đẳng giới hôm nay!
0 Nhận xét